English en Chinese zh Thai th Indonesian id Malay ms Khmer km Burmese my Tiếng Việt vi

Hàng hoá

Dầu sụt hơn 2% khi chứng khoán lao dốc

Giá dầu đảo chiều và sụt hơn 2% vào ngày thứ Tư (18/5), sau khi dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy các nhà máy lọc dầu nước này đã gia tăng sản lượng, xoa dịu lo ngại về khủng hoảng nguồn cung và khi nhà đầu tư nhận ra tín hiệu từ đà lao dốc trên thị trường chứng khoán.

Giá dầu đảo chiều và sụt hơn 2% vào ngày thứ Tư (18/5), sau khi dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy các nhà máy lọc dầu nước này đã gia tăng sản lượng, xoa dịu lo ngại về khủng hoảng nguồn cung và khi nhà đầu tư nhận ra tín hiệu từ đà lao dốc trên thị trường chứng khoán.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent lùi 2.41 USD (tương đương 2.4%) xuống 109.52 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 2.5 USD (tương đương 2.2%) còn 109.85 USD/thùng.

Hợp đồng dầu Brent khép phiên thấp hơn hợp đồng dầu WTI vào ngày thứ Tư – lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020 – và vẫn giao dịch thấp bất thường do nhu cầu xuất khẩu mạnh và dự trữ dầu thô tại Mỹ thắt chặt.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ sụt 3.4 triệu thùng trong tuần trước, giảm bất ngờ khi các nhà máy lọc dầu gia tăng sản lượng do dự trữ các sản phẩm eo hẹp và xuất khẩu gần đạt kỷ lục đã buộc giá dầu diesel và xăng tại Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục.

Công suất sử dụng của cả East Coast và Gulf Coast đều trên 95%, gần đạt tốc độ vận hành cao nhất có thể.

Cả 2 hợp đồng dầu đồng loạt xóa sạch đà tăng 2-3 USD/thùng vào đầu phiên sau những thay đổi tâm lý rủi ro khi thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc.

Đồng USD mạnh hơn và chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ vào ngày thứ Tư khi lo ngại về tăng trưởng kinh tế và lạm phát gia tăng đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường.

Tâm lý tiêu cực cũng xuất hiệu sau các báo cáo cho hay Mỹ đang lên kế hoạch nới lỏng trừng phạt đối với Venezuela và cho phép Chevron Corp đàm phán với tập đoàn nhà nước PDVSA của Venezuela.

Việc Liên minh châu Âu (EU) không thể thuyết phục Hungary thay đổi quyền phủ quyết đối với đề xuất cấm vận dầu Nga đang gây thêm áp lực về giá, mặc dù một số nhà ngoại giao kỳ vọng thỏa thuận về lệnh cấm theo từng giai đoạn sẽ đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 5/2022.

Tuy nhiên, những lo ngại về nguồn cung vẫn tiếp tục hỗ trợ. Sản lượng dầu thô của Nga trong tháng 4 sụt gần 9% so với tháng trước, do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow đã hạn chế xuất khẩu.

Về nhu cầu, hy vọng nới lỏng phong tỏa ở Trung Quốc đã thúc đẩy kỳ vọng phục hồi. Các nhà chức trách đã cho phép 864 tổ chức tài chính của Thượng Hải hoạt động trở lại, và Trung Quốc đã nới lỏng một số quy định về xét nghiệm Covid-19 đối với du khách Mỹ và một số nước khác.