English en Chinese zh Thai th Indonesian id Malay ms Khmer km Burmese my Tiếng Việt vi

Hàng hoá

Dầu tăng hơn 3% ngay cả khi dự trữ tại Mỹ tăng vọt

Giá dầu tiếp tục tăng vào ngày thứ Tư (13/4) khi nhà đầu tư ngày càng chán nản về các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung eo hẹp ngay cả sau khi dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng hơn 9 triệu thùng trong tuần gần nhất.

Giá dầu tiếp tục tăng vào ngày thứ Tư (13/4) khi nhà đầu tư ngày càng chán nản về các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung eo hẹp ngay cả sau khi dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng hơn 9 triệu thùng trong tuần gần nhất.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent tiến 4.14 USD (tương đương 3.96%) lên 108.78 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 3.65 USD (tương đương 3.63%) lên 104.25 USD/thùng.

Cả 2 hợp đồng đều tăng một ngày sau khi vọt hơn 6% trong phiên trước đó.

Vào ngày thứ Ba (12/4), Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Ukraine đã làm trật hướng các cuộc đàm phán hòa bình và cho biết Moscow sẽ tiếp tục cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Tổng thống Mỹ Joe Biden cáo buộc Nga tội diệt chủng.

Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Jeffrey Halley của Oanda nhận định: “Những diễn biến này củng cố thêm quan điểm tình hình Nga – Ukraine sẽ không sớm hạ nhiệt bất kỳ lúc nào. Đà suy giảm của giá dầu là có hạn”.

Thị trường dầu suy giảm từ mức đỉnh cuối tháng 3 một phần bởi vì người mua không rõ về mức độ gián đoạn nguồn cung của Nga. Vào ngày 11/4, sản lượng dầu khí của Nga sụt dưới 10 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020.

Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào ngày 12/4 đã hạ dự báo nhu cầu thế giới và dự đoán sản lượng toàn cầu tăng có thể bù đắp sự thiếu hụt sản lượng dầu của Nga. IEA dự báo sản lượng Nga sẽ giảm 1.5 triệu thùng/ngày trong tháng 4, tăng lên mất gần 3 triệu thùng/ngày từ tháng 5.

Nhà Trắng đang giải phóng 180 triệu thùng từ kho dự trữ của Mỹ trong 6 tháng, một phần trong việc giải phóng 240 triệu thùng dầu từ các thành viên IEA.

Sản lượng tại Mỹ dự kiến sẽ tăng từ mức 11.8 triệu thùng/ngày hiện nay lên 12 triệu thùng/ngày trong năm 2022. Xuất khẩu các sản phẩm tinh chế đạt kỷ lục mọi thời đại, do nhu cầu ở nước ngoài lớn khiến kho dự trữ tại Mỹ giảm.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết không có khả năng thay thế nguồn cung bị mất từ Nga và sẽ không bơm thêm dầu thô.

Các báo cáo trong tuần này về việc nới lỏng một phần các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt vì Covid-19 của Trung Quốc cũng củng cố giá dầu trên cơ sở chúng có thể thúc đẩy nhu cầu. Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế yếu kém từ Trung Quốc và Nhật Bảnđã hạn chế đà tăng.

FILI