English en Chinese zh Thai th Indonesian id Malay ms Khmer km Burmese my Tiếng Việt vi

Tin Thị Trường

Rớt hơn 2,000 điểm, Dow Jones chứng kiến phiên tồi tệ nhất từ năm 2008

Dow Jones đã sụt hơn 2,000 điểm vào ngày thứ Hai (09/03), chứng kiến phiên tồi tệ nhất kể từ năm 2008, khi lo ngại về sự lây lan dịch COVID-19 và cuộc chiến giá dầu đã khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi chứng khoán, CNBC đưa tin.

Dow Jones đã sụt hơn 2,000 điểm vào ngày thứ Hai (09/03), chứng kiến phiên tồi tệ nhất kể từ năm 2008, khi lo ngại về sự lây lan dịch COVID-19 và cuộc chiến giá dầu đã khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi chứng khoán, CNBC đưa tin.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Dow Jones “bốc hơi” 2,013.7 điểm (tương đương 7.79%) xuống 23,851.02 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 15/10/2008, khi các cổ phiếu Boeing, Apple, Goldman Sachs và Caterpillar đều khiến chỉ số này giảm ít nhất 100 điểm.

Chỉ số S&P 500 sụt 7.6% xuống 2,746.56 điểm trước đà lao dốc của nhóm cổ phiếu năng lượng và tài chính. Các cái tên năng lượng thuộc S&P 500, bao gồm Exxon Mobil, Hess và Marathon Oil, khép phiên lao dốc hơn 20%. Nhóm cổ phiếu tài chính cũng giảm hơn 10%. Chỉ số này cũng chứng kiến phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 01/12/2008.

Chỉ số Nasdaq Composit mất 7.29% còn 7,950.68 điểm.

Động thái bán tháo mạnh đã khiến thị trường “ngắt mạch” vài phút sau khi mở cửa. Giao dịch trên thị trường phải tạm ngừng “15 phút” cho tới khi mở cửa lại vào 9 giờ 49 phút (giờ địa phương). Chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau tuần đầy biến động mà S&P 500 trồi sụt hơn 2.5% trong 4 phiên liền.

Nhà đầu tư tiếp tục tìm kiếm các tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng rằng dịch COVID-19 sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rớt mốc 0.5% lần đầu tiên, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm chạm mốc 1%. Tại một thời điểm hồi đầu phiên ngày thứ Hai, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm trượt xuống mức 0.318%.

Phần lớn tâm lý lo lắng trong ngày thứ Hai xuất hiện sau khi Ả-rập Xê-út hôm thứ Bảy (07/03) đã giảm giá bán dầu thô trong tháng 04/2020 trong một bước ngoặt bất ngờ từ những nỗ lực trước đây để hỗ trợ thị trường dầu mỏ. Động thái này được đưa ra sau khi các cuộc thảo luận của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thất bại hôm thứ Sáu (06/03), khiến một số chiến lược gia nhận thấy giá dầu có thể rớt xuống 20 USD/thùng trong năm nay.

Cú đấm kép – với dịch COVID-19 đang tác động đến nhu cầu và các cuộc thảo luận thất bại của OPEC dẫn đến cuộc chiến giá dầu – khiến dầu thô chứng kiến phiên sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1991. Theo đó, các hợp đồng dầu Brent tương lai lao dốc 24% xuống 34.44 USD/thùng, còn các hợp đồng dầu WTI tương lai sụt 24% xuống 31.13 USD/thùng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn đang chịu áp lực từ đà suy yếu của lãi suất, lại chao đảo trong bối cảnh lo ngại lợi nhuận và sự cố dầu mỏ có thể dẫn đến việc các công ty năng lượng bị vỡ nợ. Cổ phiếu JPMorgan, Citigroup và Bank of America đều giảm hơn 13%.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đổ lỗi cho các phương tiện truyền thông và cuộc chiến giá dầu vì đà lao dốc của chứng khoán trong ngày thứ Hai, tranh luận trong một loạt bài tweet rằng giá xăng dầu thấp hơn là “tốt đối với người tiêu dùng”.

Nhà đầu tư cũng rất lo ngại về sự bùng phát dịch COVID-19, điều này đã khiến chứng khoán Mỹ rơi vào vùng điều chỉnh. Tính đến ngày thứ Hai, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã vọt lên hơn 111,000 người với ít nhất 3,800 trường hợp tử vong trên thế giới. Tình hình cũng trở nên tồi tệ hơn ở Mỹ với New York, California và Oregon đều tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

An Trần

FILI