English en Chinese zh Thai th Indonesian id Malay ms Khmer km Burmese my Tiếng Việt vi

Tiền Điện Tử

Sự thật đằng sau động thái đàn áp tiền ảo của Trung Quốc

Trong bối cảnh tăng cường các biện pháp để giải quyết vấn đề khí hậu, Trung Quốc gần như đã buộc phải đưa ra các quyết định đàn áp tiền ảo.

Trong bối cảnh tăng cường các biện pháp để giải quyết vấn đề khí hậu, Trung Quốc gần như đã buộc phải đưa ra các quyết định đàn áp tiền ảo.

Theo Coindesk, trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã giảm mạnh hoạt động khai thác tiền ảo bằng cách đóng cửa các hoạt động của thợ đào bitcoin tại 5 tỉnh và khu vực giàu than đá và thủy điện. 

Các chuyên gia trong ngành cho biết, chính sách môi trường của Trung Quốc là nhân tố chính khiến chỉnh phủ tiến hành cuộc đàn áp tiền ảo. 

Cụ thể, Trung Quốc tiến hành chính sách trung lập carbon, cố gắng cắt giảm năng lượng tiêu thụ, đặc biệt là với nhiệt điện – vốn đóng góp hơn 57% năng lượng sử dụng trên toàn quốc gia.

Về chính sách khí hậu của Trung Quốc tác động tới chính sách tiền ảo

Ông Winston Ma, giáo sư trợ giảng ngành luật tại Đại học New York, đồng thời là một nhà đầu tư nổi tiếng và tác giả của cuốn sách The Digital War – How China's Tech Power Shapes the Future of AI, Blockchain and Cyberspace (tạm dịch: "Chiến tranh kỹ thuật số - Cách Trung Quốc sử dụng sức mạnh công nghệ hình thành tương lai của AI, Blockchain và Không gian mạng") nhận định: "Trung Quốc sẽ phải tìm kiếm rìa lưới điện của mình để bù đắp khoảng cách đó".

Chính sách trung lập carbon của Trung Quốc có hai mục tiêu chính. Trước hết là làm cho lượng khí thải carbon của quốc gia đạt đỉnh trước năm 2030 và thực hiện thành công tính trung lập carbon vào năm 2060, có nghĩa là đạt mức phát thải carbon dioxide ròng bằng 0 vào một thời điểm nào đó trước thời hạn đó.

Theo chính sách đó, Trung Quốc cần giảm một nửa lượng khí thải carbon dioxide từ các nhà máy điện chạy bằng than vào năm 2030. Để làm được, nước này buộc phải đóng cửa, trang bị thêm hoặc đưa vào công suất dự trữ lên tới 364 gigawatt (GW) nhiệt điện than (1/3 tổng công suất trên cả nước), Theo nhà cung cấp dữ liệu khí hậu TransitionZero có trụ sở tại London, Mỹ.

Ông Arthur Lee, người sáng lập SAI - một công ty khai thác năng lượng sạch có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết: "Vì lý do ổn định tài chính và an ninh năng lượng trong tương lai, chính phủ muốn đàn áp hoạt động khai thác và kinh doanh tiền ảo".

Về cuộc đàn áp tiền ảo do Bắc Kinh tiến hành

1. Quan điểm cứng rắn

Theo báo cáo của Nhân dân nhật báo vào ngày 30/9/2020, Trung Quốc đã đặt giới hạn nghiêm ngặt về lượng khí thải carbon và sẽ cố gắng đạt được các mục tiêu khí hậu.

Các chính quyền địa phương, đặc biệt là những khu vực phụ thuộc vào nhiệt điện than ở miền Bắc Trung Quốc đã phải vật lộn để đạt được các mục tiêu khí hậu quyết liệt do trung ương đặt ra. 

Các nhà sản xuất điện lớn dựa trên than đá như Nội Mông và Tân Cương, trước đây là hai trung tâm khai thác tiền ảo hàng đầu ở Trung Quốc đã trở thành một trong những khu vực đầu tiên nhận được chỉ thị nhằm trấn áp các công ty tiêu thụ nhiều năng lượng, bao gồm cả các doanh nghiệp khai thác bitcoin.

Sự thật đằng sau động thái đàn áp tiền ảo của Trung Quốc - Ảnh 1.

Việc tiêu tốn nhiều điện năng (nhiệt điện) trong quá trình khai thác là nguyên nhân khiến tiền ảo bị cấm ở Trung Quốc. (Nguồn: Daily Sabah).

Truyền thông nhà nước Trung Quốc Oritental Outlook đưa tin rằng, những thay đổi mạnh mẽ và có phần bất ngờ như vậy đã vấp phải phản ứng dữ dội từ các công ty và chính quyền địa phương. Tổng giám đốc của một công ty hóa lỏng than cho biết họ phải đóng cửa hoàn toàn các nhà máy của mình để đáp ứng kế hoạch giảm điện than, theo báo cáo.

Một chính quyền địa phương khác ở miền Bắc Trung Quốc thậm chí đã ra quyết định tắt đèn đường vào ban đêm để tuân thủ chính sách trung lập carbon.

Trong bài viết trên People (Trung Quốc), các quan chức chính phủ cấp cao cho biết có "tiếng nói" kêu gọi giới hạn phát thải thấp hơn. Tuy nhiên, họ không trực tiếp trả lời câu hỏi rằng liệu chính quyền trung ương có nhượng bộ gì đối với giới hạn tuyệt đối về phát thải carbon hay không, đồng thời kêu gọi sự thống nhất giữa các cơ quan chức năng và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được các mục tiêu khí hậu.

Trong bối cảnh đó, Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã kêu gọi đàn áp hoạt động khai thác và giao dịch tiền ảo vào ngày 21/5. Thành viên của ủy ban là các quan chức cấp cao từ cơ quan chính phủ như Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Bộ Công an, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc. Các chính sách đàn áp tiền ảo sẽ rất khó để được đảo ngược, thay đổi trong tương lai.

2. Không chỉ đối với hoạt động khai thác tiền ảo

Tổng mức tiêu thụ năng lượng của tất cả các hoạt động khai thác bitcoin ở Trung Quốc cộng lại là khoảng 2,2 GW, theo ước tính của Nick Hasen, Giám đốc điều hành của công ty khai thác tiền điện tử Luxor có trụ sở tại Seattle (Mỹ), cho hay.

Để so sánh, con số đó không đáng kể gì so với khoảng cách năng lượng 364 GW mà Trung Quốc phải giảm được từ việc cắt giảm sản lượng nhiệt điện. Như thế nghĩa là cho dù Trung Quốc muốn đạt được mục tiêu khí hậu thì khai thác tiền ảo cũng chỉ là một trong nhiều lĩnh vực tiêu thụ năng lượng cao bị chính sách nhắm tới.

Đường Sơn, một trong những trung tâm sản xuất thép lớn nhất ở tỉnh Hà Bắc, miền Trung Trung Quốc đã buộc phải giảm tới 50% sản lượng khai thác để đạt được mục tiêu trung lập carbon hồi tháng 3 năm nay. Xây dựng, sản xuất, giao thông vận tải và hóa dầu cũng nằm trong danh sách các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng.

Nhìn chung, chính sách của Bắc Kinh nhằm mục đích loại bỏ nhiệt điện than, đồng thời sử dụng nhiều thủy điện hơn và phát triển năng lượng gió, quang điện. Một lý do khác giải thích tại sao khai thác tiền ảo bị nhắm vào là phần lớn hoạt động của các thợ đào bitcoin đều dùng nhiệt điện.

3. Lập trường vững vàng

Trang web của chính quyền trung ương Trung Quốc đã đăng lại một bài báo khác của tờ People có tiêu đề là "Trung Quốc nghiêm túc về việc thực hiện trung lập carbon" vào ngày 29/3, ngay sau khi chính sách này được Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc chính thức thông qua trong hai kỳ họp thường niên. 

Trong bài báo đó, chính phủ Trung Quốc khẳng định họ đã và đang cắt giảm nhiệt điện xuống dưới 50% tổng năng lượng sử dụng, đồng thời tăng gấp đôi phát triển năng lượng gió và mặt trời để bổ sung cho lưới điện quốc gia trong dài hạn.

Các thợ đào bitcoin Trung Quốc không lãng phí thời gian để rời khỏi đất nước này khi mà các chính sách cấm đoán đối với tiền ảo ngày càng được thắt chặt trên phạm vi rộng.

Trong những tuần gần đây, 85% thợ đào hỏi về dịch vụ lưu trữ bitcoin là thợ đào Trung Quốc và họ thực sự đã tiến hành cuộc di cư ồ ạt để rời khỏi quốc gia cấm tiền ảo này.

Vietnambiz