English en Chinese zh Thai th Indonesian id Malay ms Khmer km Burmese my Tiếng Việt vi

Hàng hoá

Dầu lên cao nhất trong 6 tuần khi nguồn cung thắt chặt

Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục tăng giá vào ngày thứ Năm (21/05), góp phần nới rộng đà tăng đã đưa cả hợp đồng dầu WTI và dầu Brent lên mức cao nhất trong 1 tháng rưỡi, khi nguồn cung suy giảm và hy vọng nhu cầu khởi sắc đã giúp giá dầu phục hồi một số tổn thất gần đây, MarketWatch đưa tin.

Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục tăng giá vào ngày thứ Năm (21/05), góp phần nới rộng đà tăng đã đưa cả hợp đồng dầu WTI và dầu Brent lên mức cao nhất trong 1 tháng rưỡi, khi nguồn cung suy giảm và hy vọng nhu cầu khởi sắc đã giúp giá dầu phục hồi một số tổn thất gần đây, MarketWatch đưa tin.

Tuy nhiên, giá dầu đã rút khỏi mức đỉnh trong phiên, chịu sức ép bởi động thái chốt lời sau đà leo dốc của dầu, cũng như sự không chắc chắn về tốc độ phục hồi nhu cầu cùng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

“Sự không chắc chắn về tốc độ các bang mở cửa và nghi ngờ về khả năng của một dự luật kích thích kinh tế khác đã khiến người chơi vĩ mô lo ngại”, Phil Flynn, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, nhận định.

Căng thẳng thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc cũng giúp kiềm hãm đà tăng của giá dầu.

“Trung Quốc đã cảnh báo về các biện pháp đối phó với đe dọa trừng phạt vì virus corona từ Mỹ”, Edward Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, chia sẻ. “Điều đó làm dấy lên lo ngại rằng một cuộc tấn công ăn miếng trả miếng mới có thể phá hủy phục hồi kinh tế toàn cầu”.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 trên sàn Nymex tiến 43 xu (tương đương 1.3%) lên 33.92 USD/thùng – giảm từ mức đỉnh trong phiên là 34.66 USD/thùng. Hợp đồng này đã đóng cửa tại mức cao nhất kể từ ngày 10/03/2020, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 7 trên sàn Luân Đôn cộng 31 xu (tương đương 0.9%) lên 36.06 USD/thùng – mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 10/03/2020.

Từ đầu tháng đến nay, dầu WTI đã bứt phá 80%, còn dầu Brent vọt gần 43%.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh đã cắt giảm xuất khẩu dầu khoảng 6 triệu thùng/ngày trong tháng 5 đến nay, Reuters đưa tin. Thỏa thuận giữa nhóm các nhà sản xuất, được gọi là nhóm OPEC+, đã kêu gọi cắt giảm 9.7 triệu thùng/ngày cho đến cuối tháng 6/2020, với Ả-rập Xê-út thuộc số những nước đã cam kết cắt giảm thêm.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vào ngày thứ Tư (20/05) cũng đã hỗ trợ giá dầu, cho thấy dự trữ dầu thô tại trung tâm lưu trữ ở Cushing, Oklahoma, giảm 5.5 triệu thùng trong tuần qua. Dữ liệu này cũng thể hiện tổng dự trữ dầu tại Mỹ giảm 2 tuần liên tiếp, giúp giảm bớt lo ngại về sự thu hẹp không gian lưu trữ vốn đã góp phần khiến giá dầu lao dốc.

Góp phần làm tăng hy vọng vào sự phục hồi kinh tế từ đại dịch Covid-19, dữ liệu tại châu Âu vào ngày thứ Năm đã cho thấy sự cải thiện. Tại Mỹ, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở mức 2.44 triệu người trong tuần trước, nhưng đã giảm liên tiếp 7 tuần.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 6 nhích 0.1% lên 1,0451 USD/gallon. Trong khi đó, hợp đồng dầu sưởi giao tháng 6 hạ 0.2% xuống 98.90 xu/gallon.

Các hợp đồng khí thiên nhiên suy giảm trong ngày thứ Năm khi EIA ghi nhận rằng nguồn cung khí thiên nhiên vọt 81 tỷ feet khối trong tuần kết thúc ngày 15/05/2020, trùng khớp so với dự báo từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.

Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 6 mất 3.4% còn 1.71 USD/MMBtu.

FILI