Chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh, nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/03, chỉ số S&P 500 giảm 2.7% xuống 5,614.56 điểm, có thời điểm chạm mức thấp nhất kể từ tháng 9/2024. Chỉ số Nasdaq Composite giảm mạnh nhất trong số các chỉ số chính, rớt 4% xuống 17,468.32 điểm, ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2022. Chỉ số Dow Jones mất 890.01 điểm (tương đương 2.08%) còn 41,911.71 điểm.
S&P 500 đã sụt 8.7% từ mức cao nhất mọi thời đại đạt được vào ngày 19/02/2025, trong khi Nasdaq Composite lao dốc gần 14% so với mức đỉnh gần đây. Phố Wall chính thức rơi vào vùng điều chỉnh khi các chỉ số giảm hơn 10% so với mức đỉnh.
Mặc dù chứng khoán Mỹ giảm sâu trong phiên, lực cầu bắt đáy đã giúp các chỉ số thu hẹp đà giảm ngay trước khi đóng cửa. Tuy nhiên, xu hướng bán tháo vẫn lan rộng trên toàn thị trường, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn dắt.
Nhóm “Magnificent Seven” – từng là động lực chính của thị trường giá lên – dẫn đầu đà lao dốc khi nhà đầu tư tìm đến các tài sản an toàn hơn. Cổ phiếu Tesla sụt 15%, ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ năm 2020. Cổ phiếu Alphabet và Meta mất hơn 4%, trong khi Nvidia – ngôi sao của làn sóng trí tuệ nhân tạo – giảm 5%. Cổ phiếu Palantir, một trong những mã được nhà đầu tư nhỏ lẻ yêu thích, cũng bốc hơi 10%.
Tâm lý thị trường trở nên bi quan trong tháng qua do lo ngại về nền kinh tế Mỹ. Ban đầu, dữ liệu kinh tế yếu kém dường như phản ứng với chính sách thuế quan đối ứng, nhưng sau đó, tâm lý nhà đầu tư càng xấu đi khi Nhà Trắng đưa ra một số tuyên bố gây hoang mang.
Hôm 07/03, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cảnh báo nền kinh tế có thể bước vào giai đoạn “detox” khi chính quyền mới thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu công. Đến ngày 09/03, Tổng thống Donald Trump khi được hỏi về nguy cơ suy thoái đã mô tả nền kinh tế đang trải qua “giai đoạn chuyển đổi”. “Những gì tôi phải làm là xây dựng một đất nước vững mạnh. Bạn không thể thực sự theo dõi thị trường chứng khoán”, ông Trump nói.
Những tuyên bố này khiến các tổ chức tài chính lo ngại. Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong những ngày gần đây do tác động của chính sách thuế quan.
Dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư tháo chạy khỏi tài sản rủi ro xuất hiện trên toàn thị trường. Chỉ số biến động CBOE (VIX), thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall, đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2024. Đồng Bitcoin cũng giảm xuống dưới mốc 80,000 USD, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm mạnh khi dòng tiền đổ vào các kênh trú ẩn an toàn.