Thị trường trái phiếu giữ lập trường trung lập trước cuộc họp của Fed khi lo ngại thương mại bao trùm triển vọng kinh tế Mỹ
Các nhà đầu tư trái phiếu toàn cầu đang giữ lập trường trung lập trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này, phản ánh tâm lý thận trọng cao độ trước những bất ổn xoay quanh chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump và nguy cơ kéo nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái. Theo các chuyên gia đầu tư thu nhập cố định, nhà đầu tư hiện đang ưu tiên duy trì cấu trúc kỳ hạn danh mục phù hợp với chuẩn mực, thay vì mở rộng đầu tư về phía tài sản có kỳ hạn dài vốn nhạy cảm với biến động lãi suất. Chip Hughey, giám đốc điều hành thu nhập cố định tại Truist Advisory Services, cho biết tâm lý thị trường đang mắc kẹt giữa hai lực kéo đối lập: một bên là dữ liệu kinh tế đang có dấu hiệu suy yếu, bên còn lại là rủi ro phát sinh từ những cú sốc chính sách có thể làm gia tăng áp lực lạm phát và thâm hụt ngân sách. Trong bối cảnh đó, chiến lược "trung lập kỳ hạn" - duy trì thời hạn đầu tư gần với chuẩn mực của danh mục - được coi là giải pháp an toàn nhất. Mặc dù trước đó, phần lớn thị trường đã đặt cược vào khả năng Fed sẽ bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất sâu vào cuối năm nay, nhưng những thay đổi đột ngột trong chính sách thương mại của Mỹ đã làm đảo lộn kỳ vọng, khiến lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng vọt từ khoảng 3,9% lên gần 4,6% chỉ trong hơn một tuần đầu tháng 4. Đợt tăng này chủ yếu bắt nguồn từ lo ngại rằng các mức thuế quan mới, đặc biệt là đối với hàng hóa Trung Quốc, có thể thúc đẩy lạm phát trong khi đồng thời bóp nghẹt hoạt động kinh tế. Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất trong khoảng 4,25%-4,50% tại cuộc họp lần này, nhưng nhà đầu tư sẽ theo dõi sát những phát biểu của ông để tìm manh mối về cách Fed sẽ phản ứng trước các diễn biến mới, đặc biệt là khả năng chuyển sang quan điểm diều hâu nhằm kiểm soát kỳ vọng lạm phát. Theo báo cáo từ Morgan Stanley, Fed khó có khả năng hành động sớm để đối phó với các cú sốc thuế quan do chưa rõ liệu lạm phát có tăng bền vững hay không. Trong khi đó, những động thái bất ngờ từ Nhà Trắng đã buộc nhiều nhà đầu tư lớn phải giảm thiểu rủi ro. Gregory Peters, đồng giám đốc đầu tư tại PGIM Fixed Income, nhận định rằng thời điểm hiện tại không thích hợp để đặt cược lớn, đặc biệt là ở phần cuối đường cong lợi suất - nơi trái phiếu kỳ hạn dài như 30 năm chịu tác động của nhiều yếu tố khó kiểm soát. Thị trường tương lai quỹ liên bang cho thấy khả năng gần 80% rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 7 tới, và mức nới lỏng tổng cộng trong năm 2025 được thị trường định giá vào khoảng 77 điểm cơ bản. Tuy nhiên, sự phân hóa trong chiến lược đầu tư ngày càng rõ rệt. Báo cáo khảo sát của JPMorgan cho thấy 64% khách hàng đang giữ vị thế trung lập và chỉ 24% đang ở trạng thái mua ròng, giảm từ mức đỉnh 32% vào đầu tháng 4. Anders Persson, giám đốc đầu tư tại Nuveen, cho biết hiện ông cũng nghiêng về chiến lược đầu tư vào phần đầu của đường cong lợi suất - nơi có thể hưởng lợi từ lãi suất điều hành giảm mà không phải chịu quá nhiều rủi ro biến động dài hạn. Trong bối cảnh chưa rõ liệu chính quyền Trump có tiếp tục leo thang thương mại hay không, và Fed sẽ phản ứng ra sao, chiến lược “trung lập và linh hoạt” đang được xem là hướng đi chủ đạo của thị trường trái phiếu trong thời gian tới.