English en Chinese zh Thai th Indonesian id Malay ms Khmer km Burmese my Tiếng Việt vi

Tiền Điện Tử

NFT của Dapper Labs bị tòa án Mỹ tuyên bố thỏa mãn đủ điều kiện làm chứng khoán

Một tòa án Mỹ đã cho phép tiếp tục vụ kiện NFT của Dapper Labs vì tìm thấy đủ lập luận chứng minh NFT này thỏa mãn các điều kiện để xem là chứng khoán.

Một tòa án Mỹ đã cho phép tiếp tục vụ kiện NFT của Dapper Labs vì tìm thấy đủ lập luận chứng minh NFT này thỏa mãn các điều kiện để xem là chứng khoán.


Bộ sưu tập NFT “NBA Top Shot Moments” của Dapper Labs, đơn vị đứng sau blockchain Flow, đã bị tòa án liên bang Mỹ khẳng định đáp ứng đủ các điều kiện để được xem là chứng khoán, do đó có thể tiếp tục vụ kiện tập thể nhắm vào tổ chức này.

NBA Top Shot Moments là bộ sưu tập NFT hóa những khoảnh khắc đáng chú ý trong bộ môn bóng rổ, được Dapper Labs hợp tác với Giải bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA).

Phía tòa án cho biết đã áp dụng Phép thử Howey, bài kiểm tra thường được giới chức Mỹ sử dụng để đánh giá xem một tài sản có đủ cấu thành quan hệ hợp đồng đầu tư – chứng khoán giữa các bên tham gia, để xác định vụ NFT của Dapper Labs.

Theo Phép thử Howey, một tài sản sẽ được xem là hợp đồng đầu tư nếu thỏa mãn các điều kiện sau:

  1. Là một khoản đầu tư bằng tiền;
  2. Hoạt động đầu tư được thực hiện vào một doanh nghiệp chung;
  3. Có một kỳ vọng về lợi nhuận từ việc đầu tư;
  4. Lợi nhuận đó đến từ nỗ lực của tổ chức mở bán khoản đầu tư hoặc bên thứ ba.

Có thể thấy đợt mở bán NFT của Dapper Labs ngay từ đầu đã thỏa mãn điều kiện 1 và 2. Tiếp đấy, tòa lập luận công ty là vẫn duy trì một mức độ kiểm soát nhất định đối với NFT NBA Top Shot Moments sau đợt mở bán, với lý do vì NFT chỉ có thể được giao dịch thông qua marketplace tồn tại trên blockchain Flow do công ty duy trì, Cuối cùng, công ty có các bài đăng trên mạng xã hội ẩn ý rằng NFT sẽ gia tăng giá trị trong tương lai, qua đó đáp ứng điều kiện 3 và 4.

Tòa án tuyên bố:

“Dù những bài đăng Twitter không trực tiếp đề cập đến từ “lợi nhuận”, thế nhưng việc sử dụng những emoji “tên lửa”, “đồ thị cổ phiếu”, và “túi tiền” chỉ có thể hàm ý một điều: lợi nhuận tài chính từ khoản đầu tư.”

Tòa cũng chỉ ra sự liên kết của hoạt động duy trì giá trị cho NFT với token FLOW của blockchain Flow:

“Phía nguyên đơn cũng chỉ ra rằng nếu không có token FLOW, blockchain FLOW sẽ không thể xử lý được giao dịch nào cả. Cơ chế Proof-of-Stake của Flow cung cấp động lực tài chính để những thành phần tham gia nó xác minh giao dịch. Theo cách hiểu này, FLOW cũng góp phần vào giá trị của NFT thông qua sự đồng thuận của mạng lưới về quyền sở hữu và chi phí của mỗi giao dịch.”

Mặc dù vậy, phán quyết của tòa án chưa đưa ra bất kỳ lời buộc tội nào đối với Dapper Labs, thay vào đó đơn giản chỉ xác nhận vụ kiện nhắm vào công ty có đủ lý lẽ cần thiết để được thụ lý tại Tòa án Quận Nam New York, nơi đơn kiện được gửi lên vào năm 2021.

Ngoài ra, tòa nhấn mạnh phán quyết này chỉ dành riêng cho vụ kiện của Dapper Labs, chứ chưa thể áp dụng lên toàn bộ các tài sản NFT.

“Không phải tất cả NFT được phát hành hay chào bán bởi các công ty khác sẽ bị xem là chứng khoán, mỗi vụ việc phải được xem xét riêng.”

Tòa án cũng bác bỏ đơn khiếu nại của CEO Roham Gharegozlou của Dapper Labs, mong muốn tòa bãi đơn kiện nhắm vào công ty của mình với cáo buộc chào bán NBA Top Shot Moments mà không đăng ký lên cơ quan giám sát và tiết lộ những thông tin cần thiết cho nhà đầu tư, chiếu theo quy định quản lý chứng khoán và hợp đồng đầu tư.

Giới chức Mỹ trong thời gian qua đang gia tăng các động thái pháp lý nhắm vào lĩnh vực tiền mã hóa sau một năm 2022 đầy các cuộc khủng hoảng và đổ vỡ trong thị trường này, gây thiệt hại nặng cho nhà đầu tư phổ thông. Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) trong thời gian qua liên tục đưa ra lời buộc tội những cá nhân/tổ chức bị phát hiện có sai phạm, cũng như tuyên bố nhiều tài sản crypto là chứng khoán – trong đó có cả stablecoin BUSD mang thương hiệu sàn Binance. 

Coin68 tổng hợp