Chỉ số VN-Index kết phiên sáng tăng 3.72 điểm và đạt 967.28 điểm; chỉ số HNX-Index giảm 0.18 điểm và đạt 102.32 điểm. Độ rộng thị trường cuối phiên sáng nghiêng về bên mua với 269 mã tăng và 220 mã giảm.
Diễn biến VN-Index đã cho các tín hiệu tích cực hơn khi sắc xanh lần này không phải chỉ nhờ vào Large Cap mà còn nhờ vào nhóm Mid và Small Cap, qua đó cho thấy dòng tiền có sự lan tỏa và tâm lý nhà đầu tư đã phần nào ổn định trở lại. Điều này giúp kịch bản chỉ số phục hồi về kháng cự ở vùng quanh mốc 980 điểm được ủng hộ.
Rổ VN30 dừng phiên sáng với 16 mã tăng, 10 mã giảm và 4 mã tăng cho thấy tiến triển ở rổ đã lạc quan hơn. Trong số 16 mã xanh thì có 7 mã xanh hơn 1% (GAS, SSI, SAB, VRE, DPM và HPG), với HPG sáng nhất với mức tăng hơn 2%. Ngoài ra, các mã này (ngoại trừ REE) đều được khối ngoại mua ròng. Xét về mức độ ảnh hưởng tới VN-Index thì dẫn đầu hiện là các ông lớn đầu ngành như GAS, VCB, SAB, VNM với mức đóng góp khá đồng đều. Ở chiều ngược lại, MSN là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất tới chỉ số.
Giao dịch ở chỉ số HNX-Index lại khá ảm đạm khi chỉ số rung lắc quanh tham chiếu trong suốt phiên sáng, với lý do chính đến từ sự cân bằng của NVB, CDN, VCS ở chiều mua và ACB, MBG và PLC ở chiều giảm.
Nhóm cổ phiếu hàng không có diễn biến khá trái chiều khi HVN, VJC chìm trong sắc đỏ, trong khi ACV, AST hiện sắc xanh với mức bứt phá gần 3% của AST. Nếu tính từ đỉnh cữ tháng 03/2018 thì ACV đã tăng trưởng hơn 40% trong vòng gần 3 tháng qua.
Ngày 07/12 vừa qua, HĐQT của VNM đã thông qua Nghị quyết về việc mua thêm cổ phiếu GTN để đạt tỷ lệ sở hữu 75% vốn điều lệ Công ty này. Phải chăng đợt tăng giá gần đây của GTN cũng đến từ điều này khi mã bất ngờ bứt phá và tạo đỉnh mới trong ngày 06/11/2019. Hiện tại, theo góc nhìn kỹ thuật, GTN đang có dấu hiệu tạo mẫu hình hai đỉnh trong phiên hôm nay cho thấy triển vọng ngắn hạn của giá đang tiêu cực hơn. Trong khi đó, VNM tăng gần 1% trở lại và tạo mẫu hình Tweezers Bottom - mẫu hình xác nhận đảo chiều và tạo đáy ngắn hạn, qua đó hướng đến kịch bản hồi phục trong những phiên tới.
Nhóm thủy sản có diễn biến đầy tích cực với sắc xanh mở rộng ở nhóm. Ấn tượng nhất là CMX tím trở lại, MPC tăng hơn 5% cùng thanh khoản có dấu hiệu đột phá. ACL, VHC cũng tăng hơn 1%.
Tài chính khác hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 2.16%. Ngược lại, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 2.28%.
10h20: TTB thoát chuỗi sàn, nhóm Large Cap phân hóa
Tuy nhóm Large Cap đang phân hóa với rổ VN30 tăng gần 1 điểm, chỉ số VN-Index lại tăng hơn 2 điểm chứng tỏ lực cầu đang được đẩy ở nhóm Mid Cap và Small Cap. Độ rộng thị trường tới 10h20 nghiêng về bên mua với 229 mã tăng và 193 mã giảm.
Diễn biến rổ VN30 khá phân hóa với 16 mã tăng, 13 mã giảm và 1 mã đứng giá, trong đó có 6 mã hiện sắc xanh hơn 1% ( HPG, SAB, DPM, GAS, GMD) và 2 mã điều chỉnh hơn 1% (MSN và ROS). MSN tiếp tục giảm khi sức ép từ khối ngoại là vẫn còn, trong khi GAS hồi nhờ vào sự khởi sắc từ giá dầu thế giới, DPM, SAB, GMD xanh trở lại sau khi đã giảm mạnh ở những tuần trước đó.
Nhóm thép tiếp tục khởi sắc với 3 mã dẫn đầu là HPG, HSG và NKG. HSG bật tăng hơn 4%, NKG ở mức hơn 2% và HSG hơn 1%, song chỉ có HSG và HPG cho thanh khoản tốt.
TTB bất ngờ thoát cảnh nằm sàn và tăng trần đầu phiên, khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 12 triệu cp. Nhiều khả năng pha cứu vớt cổ phiếu lần này đến từ chính Công ty TTB khi HĐQT của CTCP Tập đoàn Tiến bộ đã quyết định mua lại 1 triệu cổ phiếu TTB làm cổ phiếu quỹ, cũng như các Chủ tịch HĐQT Phùng Văn Bộ cùng nhiều lãnh đạo Công ty này đăng ký mua vào cổ phiếu với số lượng dao động từ 100,000-500,000 cổ phiếu. Nhiều khả năng đợt tăng mới này sẽ kết thúc quanh vùng 7,500-8,500 đồng.
FRT có diễn biến đáng chú ý trên sàn HOSE khi vọt gần 5% trong bối cảnh mất hơn 30% giá trị trong gần 1 tháng qua, dù thanh khoản hiện không mấy đột phá. Theo phân tích kỹ thuật, mã này đã tạo đáy ngắn hạn và trong nhịp hồi phục mới với điểm dừng ở vùng 31,000-32,500.
Hôm nay cũng chính là phiên giao dịch đầu tiên của CTCP Masan MeatLife (MML) trên sàn UPCoM. Với mức giá được niêm yết là 80,000 đồng, hiện mã này đã bị đẩy xuống mức 70,000, giảm hơn 12% cùng tình trạng dư bán vượt trội so với dư mua.
Tài chính khác hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 2.16%. Ngược lại, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 2.28%.
Mở cửa: Xanh nhẹ đầu tuần
Các chỉ số thị trường mở tuần với sắc xanh, song chỉ là sắc xanh nhẹ khi tâm lý nhà đầu tư vẫn đầy sự cẩn trọng.
Độ rộng thị trường tính tới 9h30 nghiêng về bên mua với 173 mã tăng và 113 mã giảm điểm. Số mã tăng, giảm trong rổ VN30 đang nghiêng về sắc xanh khi cả rổ có 13 mã tăng, 7 mã giảm và 9 mã đứng giá.
DPM hiện là mã tăng mạnh nhất rổ VN30 với sắc xanh hơn 2%, song thanh khoản lại không cho dấu hiệu đột biến. Mã này sau khi xác nhận tạo đáy ngắn hạn tại đáy cũ tháng 09/2019 đã rung lắc trở lại trong nhiều phiên trước khi cho tín hiệu bật tăng trở lại vào phiên cuối tuần trước.
VHM, VNM và SAB hiện là những trụ chính trên thị trường hiện tại, và đối trọng với những mã này là VCB, MSN và HVN.
Mở phiên, diễn biến nhóm dầu khí khá lạc quan. Có thể kể đến như PVB, PVD và PVS đồng thuận xuất hiện sắc xanh với mức tăng quanh mốc 0.5%, GAS nhích nhẹ trên mốc tham chiếu.
Ngược chiều với diễn biến của nhóm dầu khí, sắc đỏ đang dần lan tỏa ở nhóm ngân hàng. Cụ thể, VCB và HDB đều lùi nhẹ dưới mốc tham chiếu. Ở chiều ngược lại, BID và VPB là 2 cổ phiếu xuất hiện sắc xanh và tăng gần 0.5%.
TTB đang dẫn đầu về thanh khoản trên thị trường với khối lượng khớp lệnh hơn 11 triệu cp. Lượng dư bán sàn của cổ phiếu này đã được khớp hết ngay đầu phiên hôm nay. Nhờ lực cầu mạnh, TTB tăng cận trần (có lúc trần) ngay đầu phiên.
Tài chính khác hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.79%. Ngược lại, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 2.28%.
Theo Fili