English en Chinese zh Thai th Indonesian id Malay ms Khmer km Burmese my Tiếng Việt vi

Tin Thị Trường

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 20/9 - 24/9: Tâm điểm là cuộc họp được mong chờ của Fed

Cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới, sẽ là tâm điểm trên thị trường ngoại hối tuần này.

Cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới, sẽ là tâm điểm trên thị trường ngoại hối tuần này.

Theo dự đoán của Investing.com, cuộc họp chính sách của Fed sẽ là sự kiện nổi bật nhất trong tuần này. Mặc dù ngân hàng trung ương Mỹ được dự đoán là sẽ không thực hiện thay đổi nào, các quan chức có thể hàm ý rằng Fed đang tiến gần hơn tới việc thu hồi những biện pháp kích thích thời đại dịch.

Bên cạnh cuộc họp của Fed, lịch kinh tế của Mỹ tuần này khá nhẹ nhàng, hầu hết tập trung vào các dữ liệu trên thị trường nhà đất. Ngoài Fed, một số ngân hàng trung ương lớn khác như Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ),…cũng sẽ nhóm họp.

Ở diễn biến khác, tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande đang phải đối mặt với viễn cảnh vỡ nợ. Một số chuyên gia lo ngại rằng tác động của vụ việc có thể lan sang các thị trường tài chính khác.

Dưới đây là một số sự kiện có khả năng gây ảnh hưởng đến giao dịch ngoại hối tuần này:

1. Cuộc họp của Fed

Fed sẽ bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào ngày 21/9, sau đó công bố quyết định vào chiều ngày 22/9 (theo giờ Mỹ). Các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến kế hoạch cắt giảm chương trình kích thích khẩn cấp của Fed.

Hiện tại, hàng tháng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ mua vào khoảng 120 tỷ USD trái phiếu và tài khoản đảm bảo. Đây là biện pháp được áp dụng từ năm ngoái, khi đại dịch COVID-19 tấn công nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 20/9 - 24/9: Tâm điểm là cuộc họp được mong chờ của Fed - Ảnh 1.

Phía trước Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). (Ảnh: Reuters).

Lộ trình giảm bớt kích thích của Fed là một thông tin rất quan trọng, vì đó là bước đầu tiên trước khi các nhà hoạch định chính sách tăng lãi suất.

Khá nhiều quan chức Fed cho biết việc thu hồi các gói kích thích sẽ bắt đầu trong năm nay và Chủ tịch Jerome Powell nhiều khả năng sẽ lặp lại quan điểm này. Dù vậy, ông Powell có thể lưu ý rằng việc tăng lãi suất vẫn chưa nằm trong tầm ngắm.

Đáng chú ý, Fed có thể duy trì hướng chính sách thận trọng vì nền kinh tế Mỹ vẫn phải đối mặt với nhiều bất ổn từ dịch bệnh và báo cáo việc làm tháng 8 đáng thất vọng.

2. Dữ liệu kinh tế

Dữ liệu kinh tế của Mỹ trong tuần này chủ yếu xoay quanh thị trường nhà ở. Đầu tiên, báo cáo về số lượng nhà xây mới và giấy phép xây dựng sẽ được công bố vào ngày 21/9. Tiếp theo, số liệu về doanh số bán nhà hiện có dự kiến được tung ra vào ngày 22/9 và cuối cùng là doanh số bán nhà mới vào ngày 24/9.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng có thể quan tâm thêm số lượng hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần mà chính phủ Mỹ công bố vào ngày 23/9, đặc biệt là trong bối cảnh biến chủng Delta gây cản trở đà phục hồi của nền kinh tế.

3. Các ngân hàng trung ương khác cũng nhóm họp

Bên cạnh Fed, một số ngân hàng trung ương toàn cầu khác cũng sẽ tổ chức cuộc họp chính sách trong những ngày tới.

BoJ, cũng họp trong hai ngày 21 và 22/9, được dự đoán là sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ. Song, các quan chức BoJ có thể đưa ra cảnh báo về rủi ro ngày càng lớn của tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng với hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản.

Vào ngày 23/9, Ngân hàng Trung ương Na Uy sẽ trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên trong số các nước phát triển tăng lãi suất kể từ khi đại dịch bùng phát. Khả năng cao là các nhà hoạch định sẽ nâng lãi suất từ 0% lên 0,25%.

Tại cuộc họp vào cùng ngày 23/9, BoE nhiều khả năng sẽ không thay đổi đường lối chính sách, nhưng các quan chức có thể đưa ra lập trường về xu hướng lạm phát hiện nay tại Anh.

4. Thời khắc then chốt của "bom nợ" Evergrande

Tập đoàn phát triển bất động sản Evergrande của Trung Quốc đang có một khoản nợ trị giá khoảng 83,5 triệu USD cần phải thanh toán vào ngày 23/9. Các nhà đầu tư dự đoán Evergrande có thể phải tuyên bố vỡ nợ.

Dù chỉ là con số nhỏ, song khoản nợ trên có thể là điểm tới hạn cho ông lớn bất động sản Trung Quốc. Trong nhiều năm nay, Evergrande phải chật vật huy động tiền mặt nhưng hầu như đều bất thành.

Một số chuyên gia tin rằng cú vỡ nợ của Evergrande có thể gây phản ứng dây chuyền sang các thị trường tài chính khác chứ không chỉ giới hạn ở Trung Quốc. Dù vậy, khá nhiều người vẫn cho rằng Bắc Kinh sẽ can thiệp để hạn chế tổn thất.

Vietnambiz