Trong suốt nhiều tuần qua, OPEC bày tỏ hy vọng duy trì thỏa thuận hạn chế sản lượng với các đồng minh, trong đó có Nga, tới tháng 6/2020 để giá dầu có thể duy trì mức hiện tại hoặc cao hơn. Thỏa thuận có hiệu lực từ tháng 1 và dự kiến hết hiệu lực vào tháng 3/2020. Theo thỏa thuận, OPEC cùng đồng minh, tức OPEC+, sẽ giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, tình hình thực tế có thể khó khăn hơn do ngày 29/11, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nói ông chỉ muốn kéo dài thỏa thuận tới tháng 4/2020.
Lập trường của Nga cùng với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua hai đạo luật về Hong Kong, động thái có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại với Trung Quốc, đã khiến giá dầu có lúc giảm 5%.
Kết quả khảo sát của Reuters công bố ngày 29/11 cho thấy giá dầu vẫn chịu sức ép trong năm 2020 do lo ngại tăng trưởng kinh tế gây áp lực lên nhu cầu năng lượng và thị trường có nguy cơ dư cung.
Giá dầu Brent trong năm 2020 ước tính là 62,5 USD/thùng, thấp hơn mức trung bình 64 USD/thùng của 11 tháng năm nay.
"Đơn giản là có quá nhiều dầu trên thị trường", theo nhà phân tích Frank Schallenberger của LBBW.
OPEC dự báo thị trường dư cung 70.000 thùng/ngày còn tăng trưởng cầu là 0,8 - 1,4 triệu thùng/ngày trong năm sau.
Trong khi đó, tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 22/11 tăng 1,6 triệu thùng, sản lượng lên đỉnh 12,9 triệu thùng/ngày và hoạt động lọc dầu chững lại, theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Giới phân tích trước đó dự báo tồn kho dầu Mỹ giảm 418.000 thùng.
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần, tính đến ngày 27/11, tiếp tục giảm 3 giàn khoan hoạt động xuống còn 668, thấp nhất kể từ tháng 4/2017. Đây là tháng giảm thứ 12 liên tiếp, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Huges.
Dưới đây là một số sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 3/12
Viện Dầu mỏ Mỹ ra số liệu về tồn kho dầu hàng tuần.
Ngày 4/12
EIA cập nhật số liệu tồn kho dầu.
Ngày 5/12
OPEC họp tại Vienna, Áo.
Ngày 6/12
OPEC+ họp tại Vienna, Áo.
Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan dầu ở Mỹ.
Kim loại quý
Trái với dầu, vàng lại là hàng hóa hưởng lợi khi Mỹ thông qua hai đạo luật về Hong Kong.
Một yếu tố nữa hỗ trợ kim loại quý này là Phố Wall giảm điểm sau thông tin Mỹ tìm biện pháp để ngăn công ty nước ngoài cung ứng thiết bị cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei.