English en Chinese zh Thai th Indonesian id Malay ms Khmer km Burmese my Tiếng Việt vi

Vàng hoạt động ra sao trong môi trường lạm phát, đình lạm, và suy thoái?

Đăng vào Lượt xem: 105 Nghe bài viết

        Từ ngày 8 tháng 3 đến ngày 24 tháng 4, vàng đã tăng hơn 9%, vượt xa hiệu suất S&P 500, vốn chỉ tăng hơn 3% trong cùng kỳ. Đà tăng của giá vàng trong giai đoạn này dường như tương ứng với các tiêu đề về căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng, điều được cho có thể có khả năng thay đổi lộ trình chính sách tiền tệ của FED. Trong gần một năm, đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ đã bị đảo ngược, khiến nhiều nhà phân tích tin rằng nền kinh tế Mỹ đang tiến đến suy thoái.

Những yếu tố này và các yếu tố khác đã thu hút sự chú ý ngày càng tăng đối với thị trường vàng, nơi các quyền chọn về hợp đồng tương lai vàng đã đạt khối lượng giao dịch kỷ lục vào năm 2023. Vàng được cho là sẽ hoạt động tốt trong thời kỳ kinh tế căng thẳng. Nhưng có thực sự như vậy không? Hãy nhìn vào lịch sử để biết vàng hoạt động như thế nào trong ba kịch bản—lạm phát, suy thoái và lạm phát đình đốn.

Vàng có phải là hàng rào chống lại lạm phát hiệu quả?

Sẽ thật tuyệt nếu câu trả lời cho câu hỏi đó đơn giản là có hoặc không, nhưng thật không may, nó phức tạp hơn nhiều. Đợt lạm phát lớn gần đây nhất ở Hoa Kỳ là vào giai đoạn từ năm 1973 đến năm 1979. Trong thời gian này, lạm phát trung bình khoảng 8,8% mỗi năm và vàng đã đạt được mức lợi nhuận hàng năm đáng kinh ngạc là 35%.

Điều này có vẻ hợp lý vì lạm phát có liên quan đến việc USD bị trượt giá và trong môi trường này, những người tham gia thị trường thường bị thu hút bởi hàng hóa để duy trì sức mua. Nhưng nếu nhìn sâu hơn một chút, chúng ta sẽ thấy một yếu tố khác. Giá dầu tăng cao là nguyên nhân chính gây ra lạm phát/lạm phát đình đốn của thập niên 70. Điều này rất quan trọng vì nó thay đổi cách Cục Dự trữ Liên bang và chính phủ Mỹ cảm thấy họ có thể chống lại lạm phát. Tăng lãi suất mạnh mẽ là một công cụ hiệu quả nếu nguyên nhân đơn giản là nhu cầu quá mức trong hệ thống, nhưng khi nguyên nhân của lạm phát là giá đầu vào tăng cao như dầu mỏ, thì Fed không thể khắc phục điều đó dễ dàng chỉ bằng việc tăng lãi suất.

Có lẽ thị trường vàng trong những năm 70 báo hiệu sự thiếu tin tưởng vào triển vọng kinh tế tổng thể và khả năng đạt được thành công trong nhiệm vụ của Fed. Mãi cho đến những năm 1980, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang khi đó là Paul Volker mới quyết định rằng cần phải tăng lãi suất ồ ạt để chấm dứt lạm phát, ngay cả khi điều đó là nền kinh tế chịu thiệt hại. Trở lại hiện tại, lạm phát giờ đây đã có những khác biệt đáng kể.

Lạm phát năm 2021 là do chi tiêu của chính phủ, gián đoạn chuỗi cung ứng và lãi suất bị giữ quá thấp trong thời gian quá dài. Dấu hiệu lạm phát đầu tiên được nhìn thấy vào tháng 3 năm 2021 khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng đáng kể, tăng 2,62% so với cùng kỳ năm ngoái. Vào thời điểm đó, vàng được giao dịch quanh mức 1.700 USD/ounce. Trong những tháng tiếp theo, cả vàng và lạm phát bắt đầu tăng cao hơn với CPI đạt đỉnh 9,06% vào tháng 7 năm 2022 và vàng đạt mức cao nhất trong chu kỳ gần 2.050 USD vào tháng 3 năm 2022.

Trong bảy tháng sau khi vàng đạt mức cao nhất, nó đã mất 20% giá trị, chạm đáy vào tháng 10 năm 2022 ở mức 1.625 đô la. Nhưng điều gì đã xảy ra vào tháng 3 năm 2022 khiến vàng chuyển hướng? Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà tháng 3 cũng đánh dấu sự khởi đầu của một trong những chu kỳ thắt chặt mạnh mẽ nhất của FED trong hàng thập kỷ. Và không khó để đoán rằng trong trường hợp này USD sẽ đi lên, kéo theo đó là sự mất giá của vàng. Mãi cho đến tháng 10, thị trường mới bắt đầu hình dung ra sự chấm dứt của việc tăng lãi suất. Tại thời điểm này, các nhà giao dịch vàng dường như đã chuyển trọng tâm từ lãi suất cao sang khả năng nới lỏng chính sách trong tương lai để chống lại khả năng nền kinh tế Mỹ bị suy thoái.

Nhìn chung, vàng dường như được hưởng lợi từ lạm phát nhưng ảnh hưởng của điều này sẽ ít hơn nếu thị trường kỳ vọng rằng các hành động dứt khoát của FED sẽ khiến lạm phát sớm hạ nhiệt. Nói một cách đơn giản, vàng thích lạm phát nhưng không thích lãi suất cao hơn hoặc đồng đô la Mỹ mạnh lên - điều mà FED có thể làm để chống lại lạm phát.

Vàng có hiệu suất tốt trong thời kỳ suy thoái kinh tế?

Đã có tám cuộc suy thoái từ năm 1973 đến cuộc suy thoái gần đây nhất vào năm 2020. Và lịch sử cho thấy có 6/8 lần hiệu suất của giá vàng là vượt trội so với S&P 500. Các trường hợp ngoại lệ là vào năm 1981 và 1990. Năm 1981 là năm duy nhất mà Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Paul Volker tăng lãi suất mạnh mẽ để chống lại lạm phát cao của những năm 1970. Năm 1990 chứng kiến một cuộc suy thoái nhẹ và xảy ra vào thời điểm các ngân hàng trung ương trên thế giới bán ròng vàng do điều kiện kinh tế vĩ mô toàn cầu. Còn lại, vàng đã có hiệu suất rất tốt trong 6 lần kia. Từ sáu tháng trước khi bắt đầu suy thoái đến sáu tháng sau khi nó kết thúc, vàng đã tăng trung bình 28% và vượt trội so với hiệu suất S&P 500 tới 37%.

Lý do cho điều này dường như liên quan đến phản ứng của Cục Dự trữ Liên bang và chính phủ liên bang đối với suy thoái kinh tế hơn là bản thân cuộc suy thoái. Khi nền kinh tế bắt đầu suy thoái, phản ứng của Fed là cắt giảm lãi suất và bơm thanh khoản. Phản ứng của chính phủ liên bang là theo nguyên tắc Keynes, tức là tăng vay và tăng chi. Giá vàng thích lãi suất thấp vì nó làm giảm chi phí cơ hội đối với người nắm giữ.

Vàng cũng được hưởng lợi từ sự gia tăng tổng thể của lượng tiền trong hệ thống, đặc biệt khi các hoạt động kinh tế cơ bản trong nền kinh tế bị suy yếu. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là một ví dụ hoàn hảo. Cục Dự trữ Liên bang đã cắt giảm lãi suất quỹ liên bang từ 4,75% vào cuối năm 2007 xuống 0% vào năm 2009 và để lãi suất gần bằng 0 trong 6 năm tiếp theo và kết quả là giá vàng đã tăng 50%.

Vàng có hiệu suất ra sao trong thời kỳ đình lạm (stagflation)?

Stagflation được định nghĩa là thời kỳ tăng trưởng trì trệ đi kèm với tình trạng lạm phát cao và tỷ lệ thất nghiệp cao. Đợt lạm phát đình trệ đáng kể nhất là vào cuối những năm 1970 khi giá dầu cao thúc đẩy lạm phát và đóng vai trò như một rào cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế nói chung.

Lệnh cấm vận dầu mỏ của OPEC đã đẩy giá dầu thô từ 25 USD/thùng năm 1973 lên 144 USD vào năm 1980.

Giá dầu thô cao đã gây ra một sự suy thoái kinh tế đáng kể. Một nền kinh tế trì trệ mở ra cơ hội cho Cục Dự trữ Liên bang kích thích và tăng cường can thiệp tài chính của chính phủ. Trong thời gian bình thường, điều này sẽ mang lại lợi ích cho các công ty riêng lẻ và giá cổ phiếu của họ bằng cách giảm chi phí đi vay. Tuy nhiên, trong thời kỳ lạm phát đình trệ, các nhà đầu tư không tin tưởng rằng việc làm này sẽ thành công khi các công ty phải chật vật trong việc duy trì lợi nhuận của mình.

Do đó, thanh khoản được bơm vào hệ thống có xu hướng tránh xa cổ phiếu của nhóm công ty truyền thống và vàng lại là kẻ thụ hưởng thay thế. Lạm phát đình đốn tạo ra sự không chắc chắn về kinh tế vì nó thách thức mối quan hệ truyền thống giữa lạm phát và thất nghiệp. Về mặt lịch sử, vàng được hưởng lợi khi nền kinh tế không chắc chắn.

Thật không may, tập hợp dữ liệu về hiệu suất của vàng trong thời kỳ lạm phát đình trệ bị hạn chế vì chúng ta chỉ thấy một ví dụ về nó trong thời hiện đại. Điều thú vị về cuộc thảo luận này là chúng ta hiện đang ở trong thời điểm mà hoạt động kinh tế dường như đang chậm lại và giá năng lượng tăng cao hơn, đặc biệt là sau khi OPEC bất ngờ cắt giảm sản lượng vào tháng 4 và gợi ý về việc chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu mua dầu thô để bổ sung cho kho dự trữ chiến lược trong 6 tháng tới.

Thông qua các phân tích trên, chúng ta đã phần nào có cái nhìn rõ hơn về hiệu suất của giá vàng trong những giai đoạn khác nhau. Cùng với đó, có hai điểm chính quan trọng mà anh em cần nắm đó là:

Giá vàng tăng vọt trong kỷ nguyên lạm phát những năm 1970, nhưng nguyên nhân gốc rễ của lạm phát ở thời điểm hiện tại đã khác.

Sáu trong số tám cuộc suy thoái gần đây nhất, vàng vượt trội so với S&P 500 trung bình 37%.

Nguồn tradertop

Thị trường 24x7